Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Chỉ Số VNX Allshare Được Kỳ Vọng Sẽ Là Cú Hích Cho Thị Trường Chứng Khoán

Cuối tháng 10 này, thị trường chứng khoán sẽ có một chỉ số chung là VNX Allshare. Sản phẩm mới này được nhiều nhà đầu tư hồi hộp đón chờ và kỳ vọng thu hút dòng tiền trước và sau thời điểm chỉ số mới vận hành là rất khả quan.

vxn allshare
Lễ ra mắt bộ chỉ số VNX Allshare

VNX Allshare có điểm chỉ số cơ sở là 1.000 điểm. Khác với các chỉ số khác trên thị trường hiện nay, VNX Allshare là sản phẩm chung của cả 2 sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX).

Chỉ số chung VNX Allshare sẽ cung cấp thêm một chỉ báo thị trường cho nhà đầu tư, thống nhất và chuẩn hóa hệ thống chỉ báo cho toàn thị trường, đồng thời tạo chỉ số cơ sở nhằm phát triển các sản phẩm tài chính như phái sinh, quỹ đầu tư chỉ số ETF.

VNX Allshare được xây dựng trên 3 cơ sở: sàng lọc về tư cách, sàng lọc về tỷ lệ tự do chuyển nhượng và sàng lọc về thanh khoản. Sau khi sàng lọc các cổ phiếu có đủ  điều kiện theo các tiêu chí đề ra, danh sách thành phần chỉ số VNX Allshare kỳ 1 năm 2016 được xây dựng gồm 388 cổ phiếu, trong đó có 208 cổ phiếu từ HOSE và 180 cổ phiếu từ HNX.

Ngoài việc xây dựng bộ chỉ số chung VNX Allshare, vừa qua, HOSE, HNX và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cũng đã ký biên bản hợp tác. Thỏa thuận ba bên này nhằm trao đổi chuyên môn để tăng cường hợp tác thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra của thị trường giai đoạn 2016 - 2020.
Sau buổi ký kết, HNX, HOSE và VSD sẽ triển khai, phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin quản lý, giám sát liên quan đến hoạt động và chuyên môn của ba bên, hợp tác xây dựng và phát triển các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán..., với mục tiêu quản lý và vận hành an toàn thị trường chứng khoán, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đối với cơ quan quản lý thị trường, hợp tác giữa HOSE, HNX và VSD thể hiện mục tiêu phát triển đồng bộ, có chiều sâu để hỗ trợ, tạo thêm nhiều điều kiện cho doanh nghiệp và các thành viên thị trường hoạt động hiệu quả hơn, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Rõ ràng, cùng với việc chuẩn bị ra chỉ số chung VNX Allshare, cái bắt tay giữa 3 đơn vị và những động thái tiếp theo trong việc đưa ra các sản phẩm mới cho thấy, mục tiêu hiện thực hóa việc nâng hạng thị trường đang cận kề. Theo đó, sức hút của sàn chứng khoán đang tiếp tục gia tăng, thể hiện ở nhịp đi lên khá ổn định của chỉ số thị trường trong thời gian vừa qua. Chỉ số VN-Index từ đã có nhịp đi lên khá ấn tượng từ giữa tháng 9 đến nay, từ mốc 650 điểm lên trên 680 điểm.

Theo các nhà quan sát, khi chỉ số VNX Allshare vận hành, mối quan tâm của giới đầu tư sẽ hút vào những cổ phiếu nằm trong rổ VNX Allshare (208 cổ phiếu sàn HOSE và 180 cổ phiếu sàn HNX). Lý do là, các cổ phiếu được vào rổ chỉ số chung đã qua các bước sàng lọc, nên phần nào thể hiện được “đẳng cấp” của doanh nghiệp đó. Hơn nữa, trong tương lai không xa, thị trường chắc chắn có những quỹ đầu tư chỉ số ETF chọn VNX Allshare làm chỉ số cơ sở. Như vậy, các cổ phiếu trong rổ VNX Allshare sẽ có nhiều cơ hội hút dòng tiền hơn so với những cổ phiếu khác.

Chí Tín

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Du Lịch Ninh Thuận: Hiện Trạng - Tiềm Năng

"Thiếu Đủ Thứ" - đó là thực trạng của ngành du lịch vốn có nhiều tiềm năng ở Nam Trung Bộ.


Bãi tắm Ninh Chữ
Bãi tắm Ninh Chữ
Ninh Thuận được ví như “tiểu vùng sa mạc” với gió rát, nắng nóng nhất Việt Nam. Bù lại sự khắc nghiệt ấy của thiên nhiên, Ninh Thuận cũng là một trong số ít địa phương của cả nước giàu tiềm năng để phát triển du lịch biển, sinh thái, làng nghề… Tuy nhiên, hiện ngành công nghiệp không khói của vùng đất này vẫn ì ạch, thiếu sức hút.
Bãi biển Ninh Chữ với làn trong xanh
Bãi biển Ninh Chữ với làn trong xanh
Ninh Thuận nằm giữa tam giác du lịch Khánh Hòa- Lâm Đồng - Bình Thuận của miền duyên hải Nam Trung Bộ, với hơn 100 km chiều dài bờ biển. Biển Ninh Thuận có địa hình thoai thoải, có nơi núi đâm thẳng ra biển, tạo nên những vũng, vịnh tuyệt đẹp. Nhiều du khách biết đến biển Cà Ná thơ mộng với những dải cát trắng mịn, nước trong xanh hay khó quên vịnh Vĩnh Hy êm đềm, hoang sơ - nơi hội tụ nhiều rạn san hô phong phú về chủng loại. Đặc biệt, núi đá ven biển ở Ninh Thuận có nhiều hang động, xếp thành hình kỳ thú, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
KS Sài Gòn - Ninh Chữ
KS Sài Gòn - Ninh Chữ
Ninh Thuận sở hữu đến 2 vườn quốc gia là Núi Chúa (huyện Ninh Hải) và Phước Bình (huyện Bác Ái) với hàng ngàn loài động vật cùng hàng chục ngàn loài thực vật, trong đó nhiều loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Không chỉ vậy, đây là địa phương có hơn 70.000 đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tập trung nên văn hóa Chăm Pa - bao gồm cả vật thể và phi vật thể - ở vùng đất nắng gió này rất đặc trưng.
Ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết sở dĩ địa phương chưa “níu chân” được du khách là do chất lượng sản phẩm du lịch hạn chế, tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp địa phương chưa cao. “Thậm chí, giá cả một số khâu dịch vụ còn cao so với các địa phương trong khu vực dẫn tới sức cạnh tranh kém” - ông Hải nhìn nhận.
Tại hội nghị xúc tiến, quảng bá tour, tuyến du lịch Ninh Thuận vừa được tổ chức, hầu hết đại biểu cùng nhận định du lịch Ninh Thuận còn thiếu rất nhiều thứ nên khó thu hút du khách.
Vịnh Vĩnh Hy với nét hoang sơ quyến rũ
Vịnh Vĩnh Hy với nét hoang sơ quyến rũ
Ông Thanh Tùng, Công ty TNHH Sài Gòn Hòn Ngọc Tourist, đánh giá biển Ninh Thuận đẹp nhưng chưa sạch, hải sản phong phú nhưng chưa có loại hình ẩm thực độc đáo, các sản phẩm lưu niệm hầu như trống vắng… “Ninh Thuận có vùng Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn trồng cây ăn trái rất phong phú, tại sao chúng ta không mở các tuyến du lịch nhà vườn, kết hợp tham quan thác nước Sa Kai, Chapơ… để phát huy thế mạnh” - ông Tùng gợi ý.
Đại diện Công ty CP Dịch vụ - Du lịch Bến Thành (TP HCM) cho rằng du khách ít biết đến Ninh Thuận do việc quảng bá chưa đủ mạnh. “Đơn cử như tại Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận được tổ chức từ ngày 29-9 đến 1-10, hầu như không có khách nước ngoài; khách trong nước cũng chưa nhiều. Nội dung sự kiện quá nghèo thì làm sao tạo dấu ấn cho du khách” - vị đại diện này góp ý.
Làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng
Làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng
Đa phần các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung nhận định doanh nghiệp du lịch địa phương chưa gắn kết với các tỉnh bạn để phát huy thế mạnh của Ninh Thuận và bổ khuyết những hạn chế. “Khánh Hòa có nhiều đảo cực đẹp nhưng Ninh Thuận lại có rừng, vườn quốc gia hoang vu. Tại sao chúng ta không phối hợp để mở tour, tuyến tham quan đảo - rừng nhằm tạo dấu ấn độc đáo” - một doanh nghiệp du lịch của TP HCM đề nghị.
Sản phẩm gốm Bàu Trúc
Sản phẩm gốm Bàu Trúc
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2011-2015, mỗi năm đón khoảng 1,3-1,4 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế từ 40.000-95.000. Trong khi đó, mỗi năm Khánh Hòa đón trên 4 triệu lượt du khách.

                                                                                                                       Lê Trường

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

KIDO Được Unilever Trả Giá Cao Gấp Mười Lần So Với 13 Năm Trước Để Mua Lại Mảng Kem

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, tại sự kiện CEO Forum 2016 diễn ra ở TPHCM chiều ngày 30/9/2016 cho biết, Unilever - đơn vị bán thương hiệu kem Wall's cho Kido cách đây 13 năm, sẵn sàng trả 200 triệu đô nếu Kido thoái vốn. 

kem kido
Kem Kido ngày nay "xuất thân" từ kem Wall's của 13 năm về trước
giờ đây có giá trị hơn gấp 10 lần
Mức giá 200 triệu USD mà ông Nguyên đề cập Unilever sẵn sàng trả giá dành cho mảng kem tương đương với khoảng 1/2 giá trị thị trường của KDC ở thời điểm hiện tại (khoảng 7.800 tỷ đồng).
Sau khi bán đi mảng bánh kẹo cho đối tác Mondelez, hiện Kido tham gia vào các lĩnh vực gồm ngành hàng lạnh là kem, ngành thực phẩm là mì gói & dầu ăn (tương lai ngành hàng lạnh sẽ có thêm bánh bao).

Câu chuyện 13 năm trước

Vào trung tuần tháng 4/2003, Công ty CP Kinh Đô (nay là Kido) đưa ra thông báo rộng rãi về việc hoàn tất kí kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng thương hiệu kem Wall's với Tập đoàn Unilever Bestfood ở Việt Nam (nay là Unilever Vietnam).
Theo hợp đồng này, Kinh Đô sẽ mua lại toàn bộ cơ sở vật chất, thương hiệu để sản xuất kinh doanh kem Wall's tại Việt Nam.
Mức giá đưa ra cách đây hơn 13 năm là 20 triệu USD cho hợp đồng tiếp nhận toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh kem Wall (đến hết tháng 7/2003) và Kinh Đô được sử dụng tên thương hiệu Wall's đến hết năm 2004.
Theo thỏa thuận, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng này (tức đến năm 2008), nếu Kinh Đô không sản xuất kem thì cũng không được bán thiết bị, công nghệ cho đối thủ cạnh tranh của Wall’s. Sau 5 năm, nếu Wall’s trở lại Việt Nam thì Kinh Đô sẽ là đối tác ưu tiên số một trong vấn đề hợp tác sản xuất kinh doanh.
Kem Wall's của Unilever khi đó sở hữu hệ thống phân phối khổng lồ, với gần 115 nhà phân phối và gần 4.000 điểm bán lẻ trên cả nước (chiếm khoảng 50% thị phần kem tại Việt Nam). Unilever mất 6 năm xây dựng hệ thống và thương hiệu này, nếu tính luôn cả vốn đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và quảng bá thương hiệu thì tổng chi phí Unilever đã bỏ ra lên đến khoảng 20 triệu USD.
Kinh Đô cũng được thừa hưởng gần 130 công nhân thạo nghề và được đào tạo bài bản của Unilever.

Kem hiện mang về 75% doanh số

Tại sự kiện CEO Forum 2016, chính ông Nguyên khi đề cập về các mối liên kết kinh doanh hiện tại đã viện dẫn case study giữa Kido và Unilever như một minh chứng điển hình: "Cách đây 13 năm, Unilever bán mảng kem vì liên tục lỗ trong nhiều năm. Sự liên kết giữa Kido và Unilever khi mua lại kem Wall's không đơn thuần là mua thương hiệu, nhân viên, tồn kho. Đó là sự liên kết giữa tất cả các nhân viên, nhà phân phối, an toàn thực phẩm, văn hóa, là kết nối giữa doanh nghiệp và nhà phân phối để tạo nên sức mạnh".
Sau hơn 1 thập kỉ, đặc biệt sau khi bán mảng bánh kẹo cho Mondelez, kem đã trở thành mảng kinh doanh chủ lực của Kido, bên cạnh các sản phẩm mới liên kết với các doanh nghiệp khác như mì gói hay dầu ăn (sắp tới có thêm bánh bao).
“Khi mới tiếp quản thương hiệu này, doanh số của kem Wall's chỉ là 90 tỷ, đến ngày hôm nay đã lên tới 2.000 tỷ”, ông Nguyên cho hay
Nửa đầu năm 2016, doanh thu từ kem đem về đến 75% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Trong 7 tháng đầu năm, Kido đã lãi hơn 160 tỷ đồng từ kem – cao hơn cả con số lãi 110 tỷ đồng trong cả năm 2015. Ước năm 2016, lợi nhuận từ mảng này có thể lên 230 - 240 tỷ đồng.
Tại thời điểm mua lại kem Wall's từ Unilever, có lẽ chính Kinh Đô không thể dự đoán được việc sau này tập đoàn cũng sẽ mang tên công ty kem Kido (khi đã bán mảng bánh kẹo, tên thương hiệu Kinh Đô không còn được dùng nữa).
Kido cũng chuẩn bị khánh thành nhà máy ở Bắc Ninh, dự kiến giúp tăng năng suất ngành lạnh của Kido lên 170%. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy mới này sẽ giúp giảm chi phí hậu cần, tăng tốc độ phục vụ thị trường và phát triển độ phủ của các sản phẩm kem, sữa chua Kido tại phía Bắc.
Về phía Unilever, 5 năm sau ngày kem Wall's về tay Kinh Đô, năm 2008, thương hiệu này đã trở lại Việt Nam thông qua con đường nhập khẩu nhãn Wall's từ Thái Lan, sản phẩm được Công ty Metro Cash & Carry Vietnam phân phối.


Những Sai Lầm Mà Một Nhà Đầu Tư Chứng Khoán Thường Hay Mắc Phải

Đối với đa số nhà đầu tư chứng khoán, chốt lời hay cắt lỗ là công việc khá khó khăn nhất bởi tâm lý nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thường nghĩ nó sẽ tăng tiếp, hay "giảm thế là cùng, không giảm nữa đâu"... . Không ít trường hợp nhà đầu tư mất sạch lãi, thậm chí trở nên thua lỗ do không biết cách chốt lời hay cắt lỗ cổ phiếu.

Sai lầm của nhà ĐTCK
Sai lầm của nhà ĐTCK
Trong quá trình đầu tư chứng khoán, hầu hết mọi người đều mắc phải những sai lầm mang tính lặp đi lặp lại dù rằng họ đã tự hứa sẽ rút kinh nghiệm sau những thất bại. Những sai lầm này không chỉ diễn ra với những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường mà ngay cả những nhà đầu tư lâu năm cũng khó tránh.
Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến nhất trên TTCK mà có lẽ bất kỳ nhà đầu tư nào cũng từng trải qua.

Chạy theo đám đông

Khi đầu tư chứng khoán, ai cũng mong muốn “mua thấp, bán cao” nhưng trên thực tế số đông thường làm ngược lại, “mua cao, bán thấp”.
Cung bậc tâm lý trong ĐTCK
Mỗi khi thị trường có “sóng”, hầu hết phương tiện truyền thông đều nhắc đến chứng khoán và đây là giai đoạn cổ phiếu đã chạy được một quãng dài. Số đông nhà đầu tư chậm chân chưa mua vào trước đó sẽ nôn nóng tham gia và “kẹp” trên đỉnh. Khi thị trường điều chỉnh, những nhà đầu tư này sẽ chịu thiệt hại nặng nề và nhiều trường hợp “cắt lỗ” trúng đáy.
Trường hợp cổ phiếu KSB của khoáng sản Bình Dương là ví dụ điển hình khi thị giá hồi đầu năm chỉ quanh ngưỡng 30.000đ và khối lượng giao dịch cũng rất thấp. Tuy vậy, khi cổ phiếu tăng lên trên 90.000đ vào đầu tháng 7 vừa qua thì thanh khoản cũng tăng vọt cho thấy nhà đầu tư rất hào hứng mua vào. Tuy nhiên, đây cũng là đỉnh của KSB và những nhà đầu tư mua vào trong giai đoạn đầu tháng 7 đã chịu thiệt hại không nhỏ.

Không biết cách chốt lời

Trong đầu tư chứng khoán, chốt lời là công việc có lẽ khó khăn nhất bởi tâm lý nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thường nghĩ nó sẽ tăng tiếp, bán đi sẽ rất “phí”. Không ít trường hợp nhà đầu tư mất sạch lãi, thậm chí trở nên thua lỗ do không biết cách chốt lời cổ phiếu.
Chốt lời khi thỏa mãn
Chốt lời khi thỏa mãn
Một phương pháp mà nhiều nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật lựa chọn là chốt lời sau khi cổ phiếu chính thức tạo đỉnh và được xác nhận bằng một phiên “phân phối đỉnh”. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như cảm nhận tốt về thị trường. Do đó, không nhiều nhà đầu tư có thể áp dụng thành công phương pháp này.
Cách dễ nhất là bạn nên chốt lời khi cảm thấy thỏa mãn và thực hiện chốt lời từng phần khi giá cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng. Bạn cũng không nên tiếc nuối khi cổ phiếu tiếp tục tăng sau khi bán ra bởi lẽ chốt lời không bao giờ là sai cả, chốt lời còn hơn cắt lỗ.


Không chịu cắt lỗ

Ngược lại với chốt lời thì việc cắt lỗ cũng khó không kém. Khi đã đầu tư, không ai muốn bị thua lỗ và phần lớn nhà đầu tư “kẹp” đều tự nhủ “đợt điều chỉnh này sẽ sớm kết thúc, cổ phiếu sẽ hồi phục trở lại thôi”. Tuy nhiên, trên thực tế điều này thường không diễn ra và bạn sẽ phải trả giá đắt cho việc không sớm cắt lỗ.
Cắt lỗ đúng lúc
Cắt lỗ đúng lúc
Ví dụ, khi cổ phiếu bạn giảm sâu tới 50% thì mức phục hồi để về giá gốc là 100%. Liệu rằng cơ hội để cổ phiếu tăng giá gấp đôi trở lại có đến không hay cổ phiếu sẽ lại tiếp tục giảm sâu?
Do đó, cắt lỗ sẽ là bài học mà nhà đầu tư cần phải lưu tâm đặc biệt và một số chuyên gia cho rằng mức 10% sẽ là con số tối đa thực hiện cắt lỗ. Tất nhiên, đây là con số được áp dụng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm đa số trên thị trường.

Bỏ hết trứng một hoặc quá nhiều rổ

Nếu bạn rất tin tưởng vào một cổ phiếu nào đó thì việc “tất tay” có vẻ là một ý hay. Nhưng việc cho hết trứng vào một giỏ luôn hết sức rủi ro, cho dù bạn tin tưởng rằng “chắc chắn có lời”. Trên thực tế, nhiều trường hợp cổ phiếu từng được đánh giá cơ bản tốt, kín room ngoại như JVC vẫn khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.
Khi đầu tư vào hết một rổ có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng có thể bạn thua lỗ nặng nề, do đó tốt hơn hết là phải đa dạng hóa.
Tuy vậy, cũng không nên đa dạng hóa quá vì sẽ khiến bạn khó tập trung tỷ trọng vào cổ phiếu mạnh. Nhiều khi mức lợi nhuận của cổ phiếu này sẽ bị xóa tan bởi khoản lỗ của những cổ phiếu khác. Do đó, đa dạng là tốt, nhưng ko nên quá rộng.


Quá quan tâm tới Index

Nhà đầu tư đôi khi quá quan tâm tới Index mà quên đi một điều rằng thị trường có rất nhiều cổ phiếu không hề phụ thuộc tới Index. Nếu chỉ nhìn vào Index để đầu tư thì nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội cũng như thua lỗ dù thị trường có vẻ tăng.
Trên TTCK Việt Nam, có thể thấy rất nhiều cổ phiếu liên tục phá đỉnh, bất chấp VnIndex vẫn chỉ bằng một nửa so với thời kỳ đỉnh cao năm 2007. Tương tự, không ít cổ phiếu đã “bay hơi” gần hết giá trị so với năm 2007 và thậm chí đã bị hủy niêm yết.
Do đó, nhà đầu tư chỉ nên xem Index là một yếu tố tham khảo và điều quan trọng hơn là tìm kiếm những cổ phiếu có nền tảng thực sự tốt để nắm giữ.




>>> Thành công của nhà Tài Phiệt George Soros là nhờ Nắm Rõ Tâm Lý Bầy Đàn
>>> 10 kinh nghiệm quý báu "bỏ túi" cho nhà đầu tư chứng khoán Việt


3 Vật Phẩm Phong Thủy Phải Đặt Cùng Két Sắt Nếu Bạn Muốn Tiền Vào Như Nước

Đối với tầng lớp trung lưu trở lên, trong nhà hầu như luôn trang bị két sắt. Két sắt là trung tâm lưu giữ tài lộc của gia đình - tiền bạc, sổ tiết kiệm, trang sức, giấy tờ nhà... nên vị trí đặt két sắt và vật phẩm phong thủy đi cùng rất quan trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tài chính hiện tại mà chủ yếu là khả năng hút tài lộc trong tương lai.


3 vật phong thủy nhất định phải đi cùng két sắt

Khi đặt két sắt gia chủ nên đặt 1 thiềm thừ (cóc tài lộc) bên trên, 1 con tỳ hưu và 2 đồng tiền hoa mai vào trong két tiền. Những vật phẩm này có tác dụng rất lớn trong việc thu hút tiền tài, thăng quan tiến chức và phòng tránh thị phi, tiểu nhân. Nếu được đặt trong két sắt thì việc sinh nhập càng diễn ra suôn sẻ và thuận lợi.
Thiềm thừ được người đời tôn xưng là con vật quý, biểu tượng cho vượng tài. Khi để Thiềm Thừ trên nóc két sắt, cần chú ý hướng phần đầu của Thiềm Thừ vào trong nhà, cũng không nên đặt đối diện với cửa mà nên đặt hướng theo đường chéo cửa ra vào.
Đồng tiền có năm cánh, giống bông hoa mai, có tác dụng rất lớn trong con đường công danh, sự nghiệp góp phần làm thăng quan tiến chức và hóa giải kẻ tiểu nhân.
Phong thủy cho rằng, tỳ hưu là một loại mãnh thú hung mãnh, nhưng lại là một loại mãnh thú mang ý nghĩa tốt lành. Người ta nói rằng tỳ Hưu có tác dụng hút tài lộc bốn phương về cho gia chủ. Khi đặt lên két sắt, đầu tỳ Hưu phải hướng ra cửa chính, hoặc hướng ra cửa sổ để chiêu tài khí bốn phương.

Két sắt phải đặt ở vị trí có nhiều năng lượng nhất

Theo nguyên tắc phong thủy, khi đặt két sắt chúng ta cần quan tâm đến hai điều. Thứ nhất là phương vị tức là vị trí và thứ hai là hướng mở cửa két hay hướng nạp khí trong phong thủy.
Về phương vị, két sắt cần đặt ở nơi vượng khí hay đón được nhiều năng lượng nhất trong phòng. Thông thường đó là những vị trí chéo góc với cửa chính. Trong trường hợp có nhiều lựa chọn, chúng ta ưu tiên đặt két tại các cung tài lộc như đông nam, đông tứ trạch. Ngoài ra hướng tây đại diện cho tây tứ trạch cũng là hướng tốt. Đây là 2 phương hướng mạnh nhất cho tài vượng.
Theo các chuyên gia phong thủy, két sắt còn được theo tuổi của chủ nhân. Một người có 4 hướng tốt và 4 hướng xấu, tùy theo tuổi mà chia ra các hướng tốt khác nhau như sinh khí, diên niên (phước đức), thiên y, phục vị. Nếu không tìm được hướng sinh khí, gia chủ có thể mời các thầy phong thủy nào có dụng cụ đo sóng từ trường để đo và quyết định nơi nào có năng lượng mạnh nhất và hạp hướng nhất để đặt phương vi đó cho hoàn chỉnh hơn.
Đặt két sắt cũng cần chú ý về hướng mở, tốt thì nên ưu tiên quay ra cửa phòng, chú ý không trực tiếp đối diện với cửa phòng. Trước mặt két cần phải rộng rãi, sáng sủa không bị cản trở bởi đồ đạc trong phòng. Bên trên két không nên đặt nhiều đồ đạc lộn xộn.
                                          
                                                                                   Theo Trí thức trẻ

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Thị Trường Tài Chính Toàn Cầu "Vỡ Òa" Với Săc Xanh Sau Tin Tốt Từ Fed và BOJ

TTCK toàn cầu, giá vàng và dầu thô đồng loạt tăng mạnh sau thông tin tích cực từ các cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và NHTW Nhật Bản (BoJ).

TTCK Mỹ với tin vui sau cuộc họp của Fed
TTCK Mỹ với tin vui sau cuộc họp của Fed
Đúng như dự đoán, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa kết thúc rạng sáng nay (22/9) theo giờ Việt Nam.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào chiều ngày 21/9   theo giờ Mỹ, tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0,25 - 0,5%/năm như hiện nay.
Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách của Fed đang có những bất đồng về chính sách tiền tệ. Tuyên bố sau cuộc họp, Chủ tịch Fed khu vực Kansas City, Cleveland và Boston nói rằng, họ ủng hộ việc tăng lãi suất.
Dù giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này, nhưng Fed để ngỏ khả năng sẽ tăng vào cuối năm khi thị trường lao động ổn định vững chắc hơn.
Phát biểu sau cuộc họp, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed cho biết, tăng trưởng của Hoa Kỳ đang mạnh mẽ hơn và lãi suất tăng là điều cần thiết để giữ cho nền kinh tế không tăng trưởng quá nóng, thúc đẩy lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 3 tháng tới, còn hiện tại, sau thông tin Fed giữ nguyên lãi suất, giới đầu tư đã trút bỏ hết những ái ngại để mạnh dạn giải ngân, giúp phố Wall vọt tăng mạnh trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Dow Jones tăng 163,74 điểm (+0,90%), lên 18.293,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,36 điểm (+1,09%), lên 2.163,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 53,83 điểm (+1,03%), lên 5.295,18 điểm.
Trong khi đó, do đóng cửa trước khi cuộc họp của Fed kết thúc, nên tâm lý chờ đợi, thận trọng vẫn còn, khiến chứng khoán châu Âu chỉ có được mức tăng nhẹ trong phiên thứ Tư, dù thị trường chứng khoán khu vực tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Kết thúc phiên 21/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,98 điểm (+0,06%), lên 6.834,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 42,63 điểm (+0,41%), lên 10.436,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 20,95 điểm (+0,48%), lên 4.409,55 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên lãi suất âm 0,1%, nhưng cho biết, sẽ xem xét lại chính sách tiền tệ của mình, có khả năng giảm bớt áp lực cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm đã giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh 2% trong phiên thứ Tư, mức tăng mạnh nhất kể từ 29/8. Giới đầu tư cũng kỳ vọng BOJ sẽ mua đa dạng hơn tài sản, ngoài các quỹ ETFs.
Thông tin từ BOJ cũng giúp chứng khoán Hồng Kông tăng khá tốt trong phiên thứ Tư, nhưng đà tăng không mạnh như chứng khoán Nhật Bản khi giới đầu tư vẫn đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Fed.
Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 315,47 điểm (+1,91%), lên 16.807,62. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 139,04 điểm (+0,59%), lên 23.669,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,87 điểm (+0,10%), lên 3.025,87 điểm.
Thông tin Fed giữ nguyên lãi suất đã khiến đồng USD giảm mạnh, hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Ngoài ra, thông tin tích cực từ BOJ cũng góp phần hỗ trợ cho giá kim loại quý tăng vọt trong phiên thứ Tư sau 4 phiên lình xình trước đó.
Kết thúc phiên 21/9, giá vàng giao ngay tăng 20,3 USD (+1,54%), lên 1.334,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 13,2 USD (+1,0%), lên 1.331,4 USD/ounce.
Ngoài việc đồng USD giảm, giá dầu thô còn nhận được thông tin hỗ trợ tích cực khác là do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tới 6,2 triệu thùng trong tuần trước, theo EIA, cao hơn nhiều con số 3,4 triệu thùng của giới phân tích theo cuộc thăm dò của Reuters.
Ngoài ra, cuộc bãi công của các công nhân dầu mỏ tại Na Uy cũng hỗ trợ đắc lực cho giá dầu thô, giúp giá nhiên liệu này tăng mạnh gần 3% trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 21/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,29 USD/thùng (+2,85%), lên 45,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,95 USD (+2,03%), lên 46,83 USD/thùng.



Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Thành công của nhà Tài Phiệt George Soros là nhờ Nắm Rõ Tâm Lý Bầy Đàn

George Soros sinh năm 1930 tại Hungary trong một gia đình Do Thái . Đến năm 13 tuổi, do phát xít Đức công chiếm Hungary nên những đứa trẻ Do Thái như ông không được đến trường. Dẫu vậy, cha mẹ ông vẫn dạy ông học chữ và văn hóa phổ cập.


Ảnh đại diện
Trên thị trường tài chính, giới đầu cơ thường không nhận được sự chào đón của các quan chức và những nhà đầu tư bởi sự thành công của họ thường đi kèm với sự thua lỗ của một ai đó hoặc của một thị trường nào đó.
Nổi tiếng nhất trong giới đầu cơ hiện nay có lẽ phải kể đến George Soros , ông trùm bán khống người Mỹ gốc Do Thái.
Tỷ phú George Soros thường xuyên đứng trong top 30 người giàu nhất thế giới và quỹ Quantum của ông kiếm được khoảng 39,6 tỷ USD lợi nhuận trong 40 năm qua tính đến năm 2014.
Một số nghiên cứu cho thấy nếu Soros có 1.000 USD đầu tư năm 1969 thì số tiền này hiện nay sẽ là hơn 4 tỷ USD.
Bất chấp những lời chỉ trích hay phê phán của các quan chức hay những nhà đầu tư khác, chúng ta không thể phủ nhận rằng George Soros làm giàu hoàn toàn hợp pháp và những đồng tiền ông kiếm được cũng không hề dễ dàng.

Câu chuyện của cậu sinh viên Do Thái bị các ngân hàng coi thường

George Soros sinh năm 1930 tại Hungary trong một gia đình Do Thái . Đến năm 13 tuổi, do phát xít Đức công chiếm Hungary nên những đứa trẻ Do Thái như ông không được đến trường. Dẫu vậy, cha mẹ ông vẫn dạy ông học chữ và văn hóa phổ cập.
Đây là thời kỳ khá khó khăn của Soros giống như nhiều người Do Thái khác trước nguy cơ diệt chủng bởi phát xít Đức.
Năm 1947, gia đình Soros di cư sang Anh và để có tiền ăn học tại đại học London, ông đã phải làm nhiều nghề, từ bồi bàn, khuân vác hành lý, bán hàng rong trên phố.
Thậm chí sau khi tốt nghiệp vào năm 1951, Soros vẫn gặp khó khăn khi tìm việc bởi nguồn gốc Do thái của mình. Ông buộc phải làm nghề bán hàng cho một công ty bán buôn dù có mong muốn được làm trong ngành tài chính. Hàng loạt những hồ sơ xin việc của ông không được đáp lời, trong khi nhiều cuộc phỏng vấn xin việc kết thúc trong tủi hổ bởi sự coi thường từ các ngân hàng.
Cuối cùng, nhờ một người đồng hương Hungary mà chàng trai Soros xin được việc trong ngân hàng Singer & Friedlander.
Kể từ đây, George Soros bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành tài chính và dần tỏa sáng với tài năng của mình.
Ảnh đại diện
Thương vụ nổi tiếng nhất của ông là việc bán khống 10 tỷ USD đồng bảng Anh khiến ngân hàng trung ương Anh phải lao đao.
Vào năm 1992, George Soros dùng toàn bộ gia sản của mình, thậm chí còn vay nợ để mua khống Bảng Anh và quy đổi ra đồng Mác Đức. Sau đó đúng 1 tuần, do đồng Bảng Anh không đủ tiêu chuẩn để tham gia quy đổi sang đồng Euro tại Châu Âu theo cơ chế tiền tệ mới khiến đồng tiền này rớt giá thảm hại.
Ngay lập tức, George Soros quy đổi ngược trở lại đồng Mác Đức sang Bảng Anh để trả nợ và lãi thêm khoảng 2 tỷ USD.
Không dừng lại ở đó, ông còn bị cho là đã thu lợi lớn từ cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1997 nhờ bán khống đồng Bath Thái Lan.
Năm 2013, nhiều chuyên gia nhận định Soros đã thu lời khoảng 1,2 tỷ USD khi bán khống đồng Yên Nhật nhờ chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, khiến đồng nội tệ giảm giá.
Mặc dù thu được nhiều thành công to lớn như vậy, nhưng chính Soros cũng có lúc phải ngậm đắng nuốt cay do tham gia đầu cơ.
Trong cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 1987, quỹ đầu cơ của Soros mất khoảng 300 triệu USD do quyết định sai lầm rằng thị trường sẽ còn tăng điểm. Ông Soros cũng mất khoảng 2 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng kinh tế Nga năm 1998 và 700 triệu USD trong đợt đổ vỡ chứng khoán bong bóng dotcom năm 1999.

Dẫu vậy, nhà đầu cơ huyền thoại này không hề nản chí và những thành công khác của ông thừa sức bù đắp cho những thất bại trên. Theo Soros, quyết định đúng hay sai không quan trọng mà cái chính là bạn làm ra được bao nhiêu từ quyết định đó và có thể mất bao nhiêu nếu bạn đoán sai.

Bí quyết đầu cơ

Ảnh đại diện
Ngay từ thời kỳ 1959-1963, George Soros đã phát triển thuyết phản hồi (Reflexivity) cho rằng thị trường không cân bằng mà chịu ảnh hưởng bởi tâm lý nhà đầu tư tham gia thị trường.
Theo đó, thị trường không chỉ bị ảnh hưởng bởi cá yếu tố cơ bản như cung cầu mà còn chịu tác động của tâm lý nhà đầu tư, qua đó khiến thị trường trở nên méo mó và tạo nên các đợt tăng giá bong bóng và xì hơi. Nhờ đó, những nhà đầu cơ như Soros mới có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường.
Dưới đây là 8 yếu tố cơ bản mà nhiều chuyên gia đồng ý về phong cách kiếm tiền của George Soros:

1. Bán khống

Không thể phủ nhận George Soros là thiên tài bán khống. Quỹ đầu cơ của ông thường tham gia bán khống với lượng vốn lớn, thậm chí bao gồm nhiều khoản vay, và hoạt động trên mọi lĩnh vực, từ tiền tệ, chứng khoán, hàng hóa cho đến bất động sản.
Nếu Warren Buffet thường thu lợi bằng cách mua rẻ một tài sản nào đó để đầu tư dài hạn thì Soros sẵn sàng chấp nhận mua tài sản đó với giá cao hơn bởi ông biết giá trị của chúng sẽ còn tăng hơn nhiều so với số tiền bỏ ra.
George Soros cũng không hay đi theo đám đông khi thị trường đi lên. Ông thường bán khống nhờ những dự đoán về thị trường đi xuống. Những thương vụ nổi tiếng của ông như vụ đồng Bảng Anh năm 1992, vụ Bath Thái năm 1998 hay đồng Yên Nhật năm 2013 đều cho thấy George Soros hưởng lợi khi dự đoán thị trường đi xuống.
Trong thập niên 70, khi thị trường chứng khoán toàn cầu gặp khó thì quỹ đầu cơ của Soros vẫn có tỷ suất lợi nhuận là 4.000%, một con số không tưởng. Năm 2007, tỷ suất lợi nhuận của Soros là 32% bất chấp tình trạng khủng hoảng kinh tế diễn ra trên toàn thế giới.

2. Đi ngược lại xu thế

George Soros thường cá cược ngược lại xu hướng thị trường và ông thạm chí còn tuyên bố mình tìm thấy niềm vui khi chống lại đám đông.
Tuy nhiên, Soros cũng thừa nhận phong cách đầu tư này vô cùng nguy hiểm và nhà đầu cơ cần thận trọng khi áp dụng. Theo đó, ông Soros cho rằng những nhà đầu tư theo bầy đàn chỉ gặp nguy hiểm khi thị trường quay đầu, trong khi những nhà đầu cơ mạo hiểm luôn phải chịu áp lực lớn để tìm kiếm thời cơ.

3. Mua “bong bóng”

Mặc dù đi ngược lại xu hướng bầy đàn có thể đem lại lợi nhuận lớn, nhưng Soros cho rằng đôi khi tham gia vào cuộc đua bong bóng thị trường cũng có thể đem lại tiền lãi cho nhà đầu cơ.
“Khi tôi thấy bong bóng thị trường bắt đầu hình thành, tôi cũng sẽ nhanh chóng nhày vào mua và góp phần thổi phồng bong bóng giá”, ông Soros nói.
Ví dụ điển hình của việc này là khi Soros mua vào vàng năm 2010 khi giá kim loại này đã tăng 40% trong năm đó và nhiều chuyên gia nhận định thị trường sẽ “đỏ” trong thời gian tới. Ông Soros mua vàng với giá 1.200 USD/ounce và cho biết vẫn có thể thu lời nếu biết cách bán ra đúng lúc.
Năm 2011, Soros kịp thời bán ra vàng ngay trước khi thị trường này lao dốc ở mức đỉnh 1.900 USD/ounce.

4. Tâm lý bầy đàn

George Soros không tin vào lý thuyết kinh tế truyền thống với luận điểm thị trường luôn được điều chỉnh hiệu quả bởi các yếu tố cơ bản.
Theo ông, chính những người tham gia thị trường có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô và ngược lại. Ví dụ như tâm lý tích cực của người tiêu dùng sẽ đẩy giá sản phẩm tăng, qua đó thúc đẩy thương mại và khiến tăng thu nhập, nhờ đó tác động tích cực ngược trở lại tiêu dùng.
Trên thị trường tài chính, điều tương tự cũng diễn ra khi tâm lý nhà đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng và một nhà đầu cơ giỏi cần nhạy bén phán đoán được tâm lý thị trường chứ không thể đơn thuần dựa vào các bảng phân tích, số liệu hay những lý thuyết khô khan.
Ảnh đại diện

5. Bản năng dã thú

Theo con trai của George Soros, ông Robert Soros, nhà đầu cơ huyền thoại này đôi khi ra quyết định dựa trên bản năng nhạy bén của mình.
Nói cách khác, chính kinh nghiệm đầu cơ lâu năm của Soros đã giúp ông có một trực giác nhạy bén khi có điều gì đó không ổn trong danh sách đầu cơ của mình.
“Cha tôi thường ngồi giảng giải những nguyên nhân khiến ông làm thế này thế kia khi tôi còn nhỏ, nhưng tôi nhớ rằng hầu như một nửa những lý do đó thật kỳ cục. Ví dụ như việc ông thay đổi quyết định mua bán một cổ phiếu là do cái lưng của ông bị đau và đây là dấu hiệu của điều gì đó không đúng đang diễn ra”, ông Robert Soros nói.

6. Cược lớn

Ông Stanley Druckenmiller, người quản lý tiền cho Soros trong thập niên 90 đã từng có đề nghị chuyên gia đầu cơ này mua từ từ Bảng Anh năm 1992 để đề phòng trường hợp thua lỗ. Tuy nhiên, Soros không đồng ý và cho rằng nếu xác định dự đoán là đúng thì nhà đầu cơ nên cược lớn.
Đối với Soros, nếu dự đoán của mình là chính xác thì bất kể phải vay mượn hay bị mọi người chế giễu, ông cũng quyết thực hiện mục tiêu mà mình đề ra bởi kẻ chiến thắng thì không sợ điều gì cả.

7. Học hỏi từ thất bại

“Tôi giàu có bởi vì tôi biết khi nào mình sai”, ông Soros nói.
Rõ ràng, George Soros không sợ thất bại cũng như sự nhục nhã hay chế giễu của mọi người khi một số thương vụ khiến ông mất hàng tỷ USD. Đối với Soros, mỗi thất bại là một bài học và ông có thể dễ dàng bước qua chúng để đi tiếp đến thành công.
“Con người không thể biết mọi thứ và chả có gì là xấu hổ khi mắc phải sai lầm. Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi không thể học hỏi và sửa chữa từ những sai lầm đó”, ông Soros nói.

8. Khó bắt chước

Nhiều nhà đầu tư hiện nay hô hào học tập theo Warren Buffett bởi phong cách đầu tư của ông khá dễ học. Trong khi đó, nhiều nhà đầu cơ bắt chước Soros phải chịu cảnh nghèo khổ và nợ nần.
Việc nhảy vào thị trường khi bong bóng phồng lên, thoát ra trước mức đỉnh, bán khống hay đi ngược lại xu thế là những điều vô cùng khó thực hiện. Không phải ai cũng có thể làm được như những gì Soros đã làm, dù người đó có kinh nghiệm và sự nhạy bén đến đâu đi chăng nữa.
Một lần, Soros đã hỏi chuyên gia đầu tư Byron Wien, đồng thời cũng là một người bạn của ông rằng tại sao anh này không đi làm có lựa chọn vào những lúc có cơ hội kiếm lời thay vì phải theo dõi thị trường hàng ngày? Anh trả lời:
“George, một trong những điều khác biệt nhất giữa ông và tôi là ông biết khi nào cơ hội kiếm lời đến còn tôi thì không.”